GS Trần Phương: CNXH đưa ra chỉ để bịp thiên hạ!
Giáo sư Trần Phương, cựu phó Thủ tướng Chính phủ |
Lời dẫn của
Huỳnh Ngọc Chênh: Tôi được vinh dự nghe giáo sư, phó thủ tướng Trần Phương
nói chuyện thời sự một lần. Đó là vào năm 1987, khi tôi là giáo viên trường Phan
Chu Trinh Đà Nẵng. Nhân dịp ông vào công tác Đà Nẵng, ban giám hiệu trường Phan
Chu Trinh đã mời ông về nói chuyện cho toàn thể giáo viên
nghe.
Lúc đó tôi đang
rất hoang mang về "con đường quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội" thì qua bài nói
chuyện, ông đã khai sáng cho tôi rất nhiều. Một số nội dung trong bài phát biểu
dưới đây là những điều tôi đã được nghe hồi đó, dĩ nhiên, dưới cách nói bóng
bẩy, rào đón hơn chứ không thẳng thừng như góp ý với đảng.
Đây là phát biểu
của GS Trần Phương, cựu Phó Thủ tướng Chính phủ, cựu Bộ trưởng Bộ Nội Thương
(1981-1982), cựu ủy viên Trung ương Đảng, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế
Việt Nam. Phát biểu này của GS Trần Phương tại hội thảo góp ý cho văn kiện Đại
hội 11 trước đây, do có liên quan tới phát phiểu gần đây của TBT Nguyễn Phú
Trọng về tình hình xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam, xin được giới thiệu
cùng độc giả.
GS Trần Phương
đã phát biểu như sau: "Thế tôi hỏi ông là: bây giờ ông nói là nền tảng của ông
là chủ nghĩa Mác – Lênin thì chủ nghĩa Mác – Lênin là cái gì đây nhỉ? Thế ông
không nói đến chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử đâu, cái
chuyện đó xa xôi, với các nhà học thuật thôi, có phải không? Thế bây giờ chủ
nghĩa Mác – Lênin là cái gì, mà ông nói là nền tảng của ông?
Chúng ta đã trải
qua 70 năm (người Việt Nam thì 20 năm) ông xây dựng CNXH theo nguyên tắc mà ông
Mác đưa ra, là gì? Chuyên chính vô sản về mặt chính quyền. Thứ hai về mặt kinh
tế thì lấy chế độ công hữu làm nền tảng đấy, thu hẹp và xóa dần cái kinh tế tư
nhân và thị trường tự do, rồi phân phối theo lao động v.v… Nhưng mà bây giờ ông
xem lại tất cả những nguyên tắc đó ông có làm không? Tôi nghĩ ông từ chối rồi
còn gì nữa. Có phải không? Khi các ông đổi mới... À, người Việt Nam thì giỏi cái
chỗ rằng là ông dùng danh từ để ông lẩn trốn. Ông nói là ông 'đổi mới' nhưng
thực ra ông 'thụt lùi'.
Tôi có lần viết
cho lời nói đầu một bài viết của anh Đặng Phong về tư duy kinh tế. Tôi nói đổi
mới thực chất là ông lùi lại. Ông tiến lên chế độ công hữu như bây giờ đó thì
ông phải lùi lại rồi. Ông từ chối cái kinh tế tư nhân nhưng ông phải thừa nhận
cái kinh tế tư nhân, thừa nhận kinh tế năm thành phần, nhiều thành phần, thậm
chí thừa nhận cả chủ nghĩa tư bản. Thế là ông thụt lùi chứ.
Tôi không gọi là
thụt lùi mà là bởi vì cái thời kỳ mà ông xây dựng CNXH từ năm 60 cho đến năm 80
là ông theo cái tư tưởng tả khuynh. Ông theo một cái tư tưởng giáo điều mà cái
điều này tôi nói là ông Mác sai, ông Mác sai dự kiến là CNXH, với những đặc
trưng đó, là dự kiến của ông Mác là sai. Ông Mác có nhiều cái dự kiến phải nói
là thiên tài, nhưng riêng dự kiến là những đặc trưng của CNXH là ông Mác sai.
Nhưng mà chúng ta không thừa nhận rằng ông ý sai. Chúng ta cứ làm giả vờ như là
ta vẫn theo ông Mác. Thì xin lỗi, ông giả vờ ông Mác thì ông đã thay đổi hành
động của ông rồi.
Cho nên cái đổi
mới của ông nó thực chất là ông lùi lại chứ không phải là ông tiến lên. Lùi lại
chế độ sở hữu tư nhân. Ngay cả chế động công hữu ông cũng phải cổ phần hóa bớt
đi. Vì công hữu đó, ông có hiệu quả đâu. Trừ mấy thằng to tổ bố thì không ai làm
nổi, ông dầu khí này, ông điện lực này v.v… thế còn nói chung một loạt các cái
công hữu của ông đó là nó làm bố láo, nó tiêu tốn đất đai và vốn của nhà nước
rất nhiều. Nhưng mà ông cứ ôm lấy nó để tưởng là CNXH.
Cho nên tôi nói
rằng là chúng ta đổi mới mà thực ra là chúng ta lùi lại chứ không phải đổi mới.
Đổi mới là so với những cái chúng ta đã làm sai 20 năm thì gọi là đổi mới. Ông
đổi mới theo kiểu đó, theo ông là sai 20 năm rồi, bây giờ ông đổi mới thì ông
phải sửa cái sai ấy đi. Nhưng thực chất ông lùi lại. Vâng, vâng, ông trở lại.
Bởi vì thế này, thực ra tôi nói là Mác nói là triệt tiêu cái chế độ tư hữu, tôi
nói là luận điểm của cụ là sai. Bởi vì 70 năm Liên Xô và Đông Âu, Đông Âu thì 40
năm thôi, ông triệt tiêu cái chế độ tư hữu. Thế là nền kinh tế mất động lực, mất
động lực, ông phải lùi lại, thực chất ra ông lùi lại đấy chứ. Việt Nam ta cũng
phải lùi lại đấy chứ.
Cho nên tôi nói
là chúng ta … đây thì không biết là góp ý kiến rồi để rồi người ta như thế nào,
nhưng ý tôi thì thế này này, ông đừng tiếp tục nói như bịp người ta! Tôi nói ví
dụ như bây giờ, là vì ông nói là nền tảng của Đảng ta là chủ nghĩa Mác – Lênin
cho nên rằng tất cả các trường ông đều bắt nó dạy chủ nghĩa Mác – Lênin. Lắm lúc
tôi bảo: trời đất ơi, ba cái thằng trẻ con này đó, nó học một mẩu của chủ nghĩa
Mác – Lênin thì nó biết cái gì?! Nhưng mà cứ vẫn phải bắt buộc làm như
thế.
Còn bây giờ
trong cái cương lĩnh này, trong cái gì này… thì ông đều nói chủ nghĩa Mác –
Lênin và ông đều nói XHCN, nhưng tôi hỏi các anh đây, các anh đây là người đọc
sách nhiều nhất rồi đây. Tôi hỏi ông CNXH bây giờ là cái gì? Tôi đố ông trả lời
được đấy?!
Cái điều mà ông
Mác nói về CNXH là chế độ công hữu chiếm địa vị thống trị. Còn ông, thu hẹp cái
sở hữu tư nhân đi đến xóa bỏ sở hữu tư nhân, rồi thị trường tự do. Ông làm lộn
ngược rồi. Thế bây giờ cái CNXH của ông là cái gì đây? Thật ra mà nói, chúng ta
nói và chúng ta biết là chúng ta bịp người khác!
Đến tôi bây giờ,
tôi cũng không biết cái CNXH mà chúng ta sẽ đi là cái CNXH gì đây? Có nhiều
người bảo rằng thôi thì ta cứ đành lấy khẩu hiệu là gì, "dân giàu, nước mạnh, xã
hội dân chủ công bằng, văn minh", đó là CNXH. Tôi xin lỗi ông. Đấy không phải
CNXH!
Xã hội dân chủ,
công bằng, văn minh, tôi hỏi anh: anh đã bằng thằng Thụy Điển và thằng Na Uy
chưa? Nó không xã hội dân chủ, cũng công bằng mà công bằng hơn ông, mà văn minh
thì tất nhiên là hơn ông rồi. Thế thì cái CNXH mà anh bảo rằng là lấy cái khẩu
hiệu "dân giàu, nước mạnh" mấy cái câu đó mà thay thế cho CNXH, đấy là CNXH của
tớ đấy! Tôi nghĩ không đúng. Ông bịp thiên hạ với cái chữ CNXH của
ông!
Đại hội X, tôi
đã nói trước Bộ Chính trị trước khi các anh đưa … bởi vì thế này này: tôi được
cái ưu điểm là người ta mời mình vì mình là một thằng lão thành, lâu năm quá rồi
mà chưa chết cho nên người ta cũng mời mình phát biểu. Nhưng tôi nói là các anh
định nghĩa cho tôi nghe là cái CNXH mà chúng ta chủ trương đây là nó là cái gì?
Cũng không ai trả lời. Rồi tôi hỏi là: ông nói định hướng cái XHCN thì cái định
hướng đó là cái gì? Tôi xin lỗi các nhà lý luận ngồi đây, là ông cũng không trả
lời được. Có phải không ạ? Ông nói về định hướng XHCN thì định hướng của ông là
cái gì đây, ông nói tôi nghe? Ông bảo là xóa đói giảm nghèo. Xin lỗi ông, cả thế
giới nó làm. Mà Liên hợp quốc nó đang giúp ông hẳn cái việc ấy đó. Thế chả nhẽ
nó giúp ông xây dựng XHCN nhà ông đấy à? Xóa đói giảm nghèo, giỏi lắm thì ông
nói được cái định hướng XHCN là xóa đói giảm nghèo, nhưng mà ông còn thua xa ba
cái thằng tư bản.
Cho nên tôi cảm
thấy là … viết thế nào thì tôi chưa nói, nhưng đại để là ông đừng đao to búa lớn
quá. Lúc nào cũng là 'nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin', lúc nào cũng là 'định
hướng XHCN' rồi 'xây dựng CNXH' và thậm chí bây giờ có chỗ ông còn viết là
'chúng ta đang quá độ lên CNXH'!"
(Tin không lề)