Của tin còn được những gì? (Mênh mông thế sự 39)
Tương Lai
Kết thúc bài diễn văn lay động lòng người, Tổng thống Obama dẫn Nguyễn Du:
“Tôi hi vọng các bạn sẽ nhớ lại khoảnh
khắc này và gieo hi vọng từ tầm nhìn mà tôi đem tới cho các
bạn hôm nay. Hay là các bạn để tôi lẩy một câu Kiều – các bạn
ai cũng thuộc Truyện Kiều mà – “Rằng trăm năm cũng từ đây, Của
tin gọi một chút này làm ghi””.
Ông đứng đó, nở nụ cười chân tình, thoải mái trong sự
vỗ tay nồng nhiệt. Lâu lắm rồi mới được nghe một bài diễn văn súc tích
với sự thể hiện thật dung dị, bộc lộ rõ cảm xúc nội tâm khiến người nghe
hiểu được khá rõ bản lĩnh, trí tuệ và tình cảm rất thật, đúng với tầm
vóc của một nguyên thủ quốc gia, một nhân vật có khả năng đi vào lịch
sử. Sức hút của Obama là ở chỗ đó.
Những ai tò mò tìm hiểu sự hình thành một bài diễn văn cho Tổng
thống Mỹ chắc sẽ còn phải dành những lời khen cho các chuyên gia, học
giả giúp hình thành nên bài diễn văn ấy, trong đó e là phải cho điểm cao
việc trích hai câu Kiều kia! Ấy vậy mà ngẫm cho kỹ, thì đây lại là lời
của Kim Trọng “Được lời như cởi tấm lòng, Giở kim thoa với khăn hồng trao tay. Rằng trăm năm cũng từ đây, Của tin gọi một chút này làm ghi”. Thế rồi trao ngay tắp lự. Hối hả sợ “lỡ cơ hội” chăng? Còn người được trao “của tin” thì lại cho rằng “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn, Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay”!
Chẻ hoe ra mà nói, nếu đặt hai câu trích dẫn kia vào
trong văn cảnh cụ thể thì hóa ra ngài Tổng thống vội vàng quá chăng? Hơn
nữa, nếu lại tỉ mẩn soi vào văn bản Truyện Kiều thì lại thấy ra cuộc
gặp lại muộn mằn mà người ta gọi là “tái hồi Kim Trọng” ấy diễn ra sau
15 năm cũng chỉ là chuyện “Vớt hương dưới đất, bẻ hoa cuối mùa”
mà thôi ? Lại nhớ đến tục bói Kiều trong dân gian thì câu này gợi ra
tình huống không hay khiến người “bói” không khỏi phân vân về lời nhắn
gửi của tác giả Truyện Kiều từng được thăng hoa thành một kiểu “sấm” như
“sấm Trạng Trình!
Thì cũng là sự suy diễn do bị tác động của những
nhiễu nhương thế sự tiện thể mà gợi ra thôi. Phải gợi ra vì cứ băn khoăn
không hiểu rồi đây, trước sức ép hung tợn có, dịu ngọt có, trong thiên
biến vạn hóa những chiêu hiểm trong món võ Tàu cổ truyền mà Việt Nam
từng nếm trải thì rồi những “của tin” đã được Obama sẽ “còn được những gì” trong mai hậu khi cơn sốt Obama qua đi.
Cứ nhìn nét mặt căng thẳng của người đang bắt tay vị
khách quý vốn đã nóng lòng chờ đợi từ lâu nhưng sao vẫn đăm chiêu, hình
như vẫn vấn vương nhiều chuyện hệ trọng khác. Phải chăng không chỉ là
nỗi lo ứng xử sao cho phải đạo với ông “bạn vàng cùng chung ý thức hệ”
đang săm soi từng động thái ứng xử của “người đồng chí”, mà còn những
gay cấn phức tạp nào khác đang phải đặt ra cần có hướng giải quyết sao
cho êm thấm, vẹn toàn? Không chừng những đồn đãi về tài tiên đoán kiểu
sấm Trạng Trình của Nguyễn Du mà người “bói Kiều” tìm đến e vẫn có chỗ
khả dụng chăng.
Thì chẳng phải Hoàn Cầu Thời báo đã chạy bài với tiêu đề “Obama không quên “quây lưới quanh Trung Quốc” trước khi rời nhiệm sở ”, còn Trung Hoa Nhật báo ở Bắc Kinh thì ỡm ờ cảnh báo “Các cựu thù không được châm ngòi mồi lửa trong khu vực” đó sao trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì ngậm hạt thị tuyên bố “vui
mừng trước đà bình thường hóa bang giao Mỹ-Việt, nhưng bày tỏ hy vọng
rằng quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sẽ “có lợi” cho hòa bình khu vực”. Vậy thì phải chăng ai đó đang bị đặt vào trong tình huống “dùng dằng nửa ở nửa về”?
“Ở”, thì lâm vào cái thế kẹt không có lối ra vì trót
quá nặng nợ với một di sản ý thức hệ quá lỗi thời, mất hết sức sống mà
hệ lụy của nó gây ra trên đất nước này với 40 năm tụt hậu so với những
nước khác cũng cùng một điểm xuất phát lại không sao che giấu được nữa.
Khỏi cần phải kể những con số so sánh đã cứa vào tim những người Việt
Nam đang nặng lòng với đất nước.
Còn “về”, thì về đâu?
Dân đã trả lời câu hỏi này bằng trái tim với việc
nồng nhiệt hết cỡ trong đón chào Obama, ngược hẳn với sự thờ ơ ẩn giấu
lòng căm ghét với chuyến thăm của Tập Cận Bình. Về với cái thế giới của
Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hướng tới
những giá trị của nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp và Tuyên
ngôn Độc lập của nước Mỹ. Về với “những lẽ phải không ai chối cãi được”.
Cái thế giới của những giá trị “bất hủ” như người đọc Tuyên ngôn khẳng
định cách đây 71 năm để rồi Nguyễn Phú Trọng nói thêm tại Mỹ năm ngoái: “Một
trong những quốc gia đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn thiết
lập quan hệ hữu nghị chính là Hoa Kỳ; Người đã gửi 14 lá thư cho lãnh
đạo Hoa Kỳ, trong đó có Tổng thống Truman, đề nghị thiết lập quan hệ
“hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ””. Xem ra “ở ăn thì nết cũng”… chưa biết ra sao nhưng “nói điều ràng buộc thì tay cũng già” đây. Chắc không đến nỗi “nói rồi rồi lại ăn lời được ngay” vì đây toàn là “những điều vàng đá phải điều nói không”! Nhưng “vàng đá” đến đâu, cỡ nào, e phải “hồi sau mới rõ”.
Vậy thì viên đá thử vàng ở đây chính là đặt lợi ích của đất nước lên trên hết và trước hết (xem Mênh mông thế sự 38).
Còn có một phép thử đơn giản hơn nữa là cứ đặt những tấm hình người dân
đón đưa và nhà cầm quyền đưa đón Tập Cận Bình cạnh cũng những người ấy
đón đưa Barack Obama thì chẳng cần phải lý luận vòng vo cũng đủ để lý
giải một cách thật sống động và rất sòng phẳng vấn đề kéo dài trong suốt
mấy nhiệm kỳ để rồi nổi cộm lên tại Đại hội XII!
Sự lựa chọn từ phía người dân thì như trên đã nói, đã
quá rõ. “Rõ” là vì đó là đòi hỏi sống còn của dân tộc: thoát ra khỏi
toan tính thâm độc của Trung Quốc muốn biến Việt Nam thành chư hầu.
Đòi hỏi ấy lại đang đặt ra trong bối cảnh Mỹ dỡ bỏ
lệnh cấm bán vũ khí sau gần nửa thế kỷ vốn đã trở thành luật của nước Mỹ
áp dụng cho các quốc gia bị coi là khủng bố, chống lại dân
chủ. Vậy là việc dỡ bỏ lệnh cấm vận này cũng đồng nghĩa với việc Mỹ
không còn coi Việt Nam như những quốc gia hay tổ chức khủng bố, là đối
tượng phải bị loại bỏ như trước đây nữa. Việt Nam là nước đầu tiên và
duy nhất Mỹ thực hiện quyết định có ý nghĩa lịch sử này. Hơn nữa, với
quyết định này Mỹ còn biểu tỏ sự tôn trọng thể chế hiện tồn của Việt
Nam.
Việc Nguyễn Phú Trọng từng được đón tiếp khá long
trọng ở Mỹ, diện kiến Obama tại Phòng Bầu dục là thể hiện sự nhất quán
của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong quyết tâm chính trị của ông chủ
Nhà Trắng. Cũng tại Mỹ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng hớn hở dẫn
ra câu của Theodore Roosevelt: “Khi tin là có thể, thì bạn đã đạt được một nửa thành công”.
Vấn đề chỉ còn là như đã đặt ra ở trên: Liệu ông Trọng có thật tin điều
ông đọc về câu mà người ta chọn sẵn và viết sẵn cho ông?
Xem ra phải trở lại với câu Kiều được dẫn ra trong
diễn văn chinh phục trái tim Việt Nam của Tổng thống Obama để mà hiểu
hơn những điều vẫn còn đang tù mù để coi thử “của tin còn được những
gì”.
Vì, về quy trình thì diễn văn của Obama cũng phải
được những chuyên gia của Tổng thống chuẩn bị công phu, không thể khác.
Trong đó có chuyện chọn ra hai câu Kiều để Obama kết thúc diễn văn một
cách tuyệt vời, gây nên “một cơn sốt Obama” trong lòng người dân Việt Nam, như cách nói của đài BBC ngày 26.5.2016. Mà gây được “cơn sốt Obama”
thì không thể phủ nhận uy lực của thiên tài Nguyễn Du đã được những
người soạn diễn văn khai thác đúng chỗ. Nhưng, quyết định vẫn là phong
độ, bản lĩnh của Obama khiến cho người ta biết chắc rằng ông ấy nói thật
lòng mình và tin chắc vào điều mình đang nói. Cái thật ấy toát lên từ
toàn bộ con người thật của vị Tổng thống bằng việc làm, lời nói, cung
cách ứng xử từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ diễn ra trước đôi mắt tinh đời
của người dân.
Chuyện lớn thì như cách trả lời câu hỏi của một phóng
viên vì sao lệnh dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí được công bố vào phút
cuối, Tổng thống Obama nói: người ta thường dành những điều tốt đẹp nhất
để nói cuối cùng! Chuyện nhỏ thì như tươi cười nhặt miếng chả nem cô
bán hàng lúng túng đánh rơi vui vẻ đặt lên bàn, hay từ chối lời mời phá
lệ, không đi vào cửa chính của ngôi chùa mà “mọi người đi như thế nào,
ông sẽ đi đúng như vậy” để bước vào cửa bên trái. Không một kịch bản
soạn sẵn nào có thể dự liệu được đầy đủ mọi tình huống thay cho bản lĩnh
và tính cách của con người.
Obama đã chinh phục được người dân Việt Nam bằng
chính con người thật vừa dung dị, lịch lãm, vừa uyên bác, mạnh mẽ để
thoải mái hồn nhiên đến thẳng với những người dân thường trên cương vị
của một nhân vật được xem là người có quyền lực nhất của thế giới! Vả
chăng, còn một nguyên nhân nữa của sự chinh phục của hình ảnh Obama
không thể không nói về một sự thật. Đó là, đã quá lâu, người Việt Nam
khao khát được nghe những lời nói thật khi đã phải nghe quá nhiều những
lời nói dối. “Nói vậy mà không phải vậy” đã trở thành một câu cửa miệng
của người dân thường vốn rất thực tế, chẳng vòng vo.
Thay vì phải vội tắt tivi để khỏi nhìn trên màn hình “quanh quẩn mãi cũng vài ba dáng điệu, tới hay lui vẫn ngần ấy mặt người”
nói cùng một giọng nhàm chán, đều đều những lời mị dân sáo rỗng, thì
dân tình lại dán mắt vào màn hình để được nhìn thấy Obama đọc diễn văn
trước một cử tọa gồm đủ các thành phần hay thoải mái dừng lại quán nước
bên đường ở Mễ Trì để trò chuyện với người bán trà đá hoặc vui vẻ, hào
hứng tươi cười, bắt tay những người tụ tập vẫy chào ông từ cửa hàng bún
chả ở đường Lê Văn Hưu đi ra!
Thay vì thờ ơ ném những cái nhìn vô cảm, nếu chưa phải là chán chường, cho cái cảnh “một người đi chật cả con đường”
mà một nhà thơ nọ đã viết, dân tình đã gội mưa ngồi ngoài đường suốt
mấy tiếng đồng hồ để đón chào người họ ngưỡng mộ và mong ngóng như dân
Hà Nội rồi dân Sài Gòn đón Obama!
Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, người đi cùng Tổng
thống trong chuyến thăm Việt Nam chia sẻ trên Twitter cá nhân về cảm xúc
của ông khi đến TP HCM: “Chúng tôi sẽ không bao giờ quên sự chào đón ở thành phố Hồ Chí Minh”,
ông Ben Rhodes viết. Còn Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Eric Schultz chia
sẻ lại dòng cảm xúc của ông Rhodes kèm theo bình luận “hàng trăm nghìn người tập trung trên các tuyến phố chào đón tổng thống” và “tôi chưa từng chứng kiến điều này trong 5 năm làm việc tại Nhà Trắng”.
Nếu ý tưởng của đại văn hào Pháp V. Hugo được viết ra trong Những người khốn khổ: “Hãy nhìn vào dân chúng, bạn sẽ thấy chân lý”
được chấp nhận thì cái chân lý rất cụ thể này được diễn đạt bằng trái
tim, khối óc và nụ cười nơi đường phố kia chứ chẳng phải ở nơi kín cổng
cao tường của một viện Hàn lâm. Trước “chân lý” đã “thấy” được đó, một
vị chức sắc được phép phát ngôn trên báo chính thống không kìm được tình
cảm thật, có thể trong một ngẫu hứng nhưng không là bốc đồng, mà rằng: “Obama hiểu đúng tâm can và sức mạnh người Việt”.
Trong những ngày vừa qua, nếu nhìn vào những tờ báo
còn gìn giữ được sự liêm sỉ tối thiểu để có gan thực hiện được phần nào
chức năng cao cả của báo chí để có thể “sống trong nhân dân và trung
thực chia sẻ với nhân dân niềm hy vọng và nỗi lo lắng của họ, tình yêu
và lòng căm thù của họ, niềm vui và nỗi buồn của họ” như mong mỏi của Mác thời trẻ, thì vào dịp này cũng đã can đảm nói về cái “tâm can và sức mạnh”
ấy. Tâm can và sức mạnh đang chứa chất một nguồn động lực để tạo ra
bước đột phá nhằm chứng minh lời cảnh báo của Nguyễn Trãi mà ông Trọng
đang hùng hồn và không kém mùi mẫn trong huấn thị tại Hội nghị dân vận
ngày 27.6.2016 vừa rồi “đẩy thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”!
Xin được nói thêm rằng việc “đẩy” và “lật”
ấy đâu phải khởi nguồn từ dân mà từ những người đang nắm quyền lực, nên
chớ vội cao giọng về chuyện nâng cao cảnh giác chống lại “lực lượng thù địch”
đang mưu toan lật đổ! Liệu có phải vội như vậy vì người ta đang sợ
rằng, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận khiến cho thế cân bằng sẽ bị lệch về phía
Mỹ, điều này giúp tạo nên một xung lực cho phong trào xã hội dân sự đang
ngày càng dâng cao, trước mắt là những hành động chống lại thảm họa môi
trường từ vụ cá chết với chất xả thải của Fomosa? Rồi với khẩu hiệu “Cá cần nước sạch, dân cần chính quyền sạch” thì sự gắn kết hai đòi hỏi ấy lại với nhau, nối chúng lại với khẩu hiệu bảo vệ chủ quyền biển đảo chống lại hành động xâm lược và những toan tính thâm hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông đã nâng cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường lên một tầm vóc mới.
Điều này không chỉ khiến cho “người đồng chí cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa”
lo ngại mà chính những người đang điều hành bộ máy quyền lực cũng lo
lắng. Lại nữa, không thể không đề phòng những hư chiêu của món võ Tàu
thâm hiểm có thể tận dụng ngay những xung lực trong các cuộc đấu tranh
để đẩy tới những đụng độ gây bất ổn ngay trong chuyến viếng thăm lịch sử
của Obama mà Bắc Kinh không hề muốn. Bàn tay Bắc Kinh trong những bạo
động đập phá doanh nghiệp nước ngoài tại Đồng Nai, Vũng Áng… dạo nào cho
thấy chúng không từ bất cứ một thủ đoạn nham hiểm, bẩn thỉu nào. Đấy là
chuyện trước mắt.
Về lâu dài thì với những gì đã ký kết những ngày qua
đã hàm chứa trong đó rất nhiều những nhân tố vừa thúc giục vừa bắt buộc
Việt Nam với tư cách một quốc gia thành viên phải tôn trọng như quyền con người, quyền lập ra những công đoàn độc lập nhằm bảo vệ quyền lao động…, những điều người ta e ngại, thậm chí từng thẳng thừng bác bỏ như cách khẳng định “không chấp nhận tam quyền phân lập” mà ông Trọng đã tuyên bố không chút úp mở dạo nào!
Thì ra không phải là không có lý do để những người
kiên định lập trường xã hội chủ nghĩa lo lắng. Chỉ riêng một chuyện để
là thành viên đích thực của TPP thì từng bước phải vận dụng các khái
niệm về giá trị, các tập quán quốc tế và không thể không dần dần điều
chỉnh luật pháp gắn với các hoạt động kinh doanh đi liền với quá trình
cạnh tranh hướng tới những mục tiêu lợi nhuận. Quá trình đó không thể
không điều chỉnh những khung pháp lý sao cho phù hợp với luật pháp của
các đối tác là những quốc gia thành viên khác mà nền tảng của nó không
thể là gì khác tam quyền phân lập, coi trọng sở hữu tư nhân và đảm bảo tự do cá nhân.
Thì chẳng phải về những chuyện này ông Obama đã khéo léo và rất tế nhị
song không phải là không nặng ký khi nói đến trong bài diễn văn đọc
trước đông đảo khán thính giả:
“Khi có tự do báo chí, khi các nhà báo và bloggers
có thể đưa ra ánh sáng những nỗi bất công, những sự lạm quyền, điều đó
bắt các giới chức có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm, và điều đó làm
cho công chúng tin rằng chúng ta đang có một chế độ tốt”
“Khi mọi người có thể ra ứng cử, và vận động tranh
cử một cách tự do, khi mà cử tri có thể lựa chọn người lãnh đạo của
mình trong những cuộc bầu cử công bằng, thì điều đó làm cho đất nước ổn
định, bởi vì dân chúng biết rằng tiếng nói của họ được lắng nghe, và
những thay đổi hòa bình có thể xảy ra. Và xã hội sẽ giang rộng vòng tay
đón những người mới”
“Và khi người dân có quyền tự do tụ tập thì họ
được tự do thành lập các tổ chức xã hội dân sự. Điều đó sẽ giúp chính
quyền giải quyết các thách thức mà đôi khi họ không thể một mình làm
được. Vì thế nhân quyền không làm tổn hại sự ổn định mà giúp nền tảng xã
hội ổn định hơn, và tiến bộ hơn”.
Vì thế mà Tổng thống Mỹ thẳng thắn chỉ ra: “Nói
cho cùng, nhân quyền đã thôi thúc mọi người khắp nơi trên thế giới, kể
cả Việt Nam, vùng lên lật đổ chế độ thuộc địa. Và tôi tin rằng tôn trọng
nhân quyền là cách diễn đạt đầy đủ nhất ý nghĩa của độc lập, kể cả ở
nơi đây, ở một quốc gia hãnh diện tuyên bố rằng chính quyền của mình là
chính quyền của dân, do dân và vì dân”.
Vậy thì trở lại với sự đăm chiêu, dè dặt trong cung
cách đón tiếp vị thượng khách từng hồi hộp chờ đợi đang phải biểu lộ ra
trước mắt công chúng nói ở trên, thì ngoài chuyện bắn tín hiệu cho “ông đồng chí láng giềng” đừng có quá âu lo, còn là ẩn chứa một tâm thế bất an về cái quyền lực hiện tồn. Phải chăng vì thế nên “dùng dằng nửa ở nửa về”, còn phải “bước đi một bước, giây giây lại dừng” như nàng chinh phụ trong Chinh phụ ngâm!
Chỉ có điều, ở đây không có được sự thơ mộng của hình ảnh bóng bẩy của
“Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng”.
Ở đây chỉ có sự trần trụi của những toan tính về lợi ích sao cho trong ấm ngoài êm trong cái “thế đất lở” (Lê Quý Đôn, Quần thư khảo biện. NXB
Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995, tr. 348), khi mà lòng tin của dân đã bị
giảm sút đến cái ngưỡng nguy hiểm. Cái ngưỡng mà chuyện đẩy thuyền và lật thuyền
ông Trọng buộc phải cảnh báo không còn là chuyện rao giảng về lý luận
của vị tiến sĩ ngành xây dựng Đảng, mà là cái nhỡn tiền của người tự
nhận là “phận mỏng cánh chuồn” phải đương đầu với nỗi lo sợ “khuôn xanh biết có vuông tròn” cho không!
Để thoát ra khỏi cái thế lưỡng nan này liệu người ta
có thể chọn cách ứng xử mà vừa rồi ông bạn Jonathan London gợi ra nhân
chuyến viếng thăm của Obama: “Ai là kẻ đem lợi lại cho quốc gia trong
giai đoạn hiện tại thì kẻ đó là bạn, những người bạn bất lợi và đụng
chạm đến quyền lợi quốc gia thì kẻ đó là kẻ thù”. Xem ra quá khó để
có thể đủ dũng khí, đủ khôn ngoan trong một điều kiện đủ chín muồi để
chọn được một cách ứng xử sòng phẳng thuận theo ý chí của nhân dân: Ai là chỗ dựa đáng tin cậy giúp chúng ta giữ chủ quyền đất nước là bạn, ai làm ngược lại thì chính là thù!
Khốn nỗi tâm thế dẫn đến ứng xử nói trên không là
chuyện nhất thời, không phải là một ứng xử tình huống. Đây là một hệ lụy
tồn đọng dai dẳng suốt cả chiều dài mấy thập kỷ bị cầm tù trong cái
song đề (dilemma) tiến thoái lưỡng nan kia: “lúc thì phản đối “xâm phạm chủ quyền”, lúc thì liên minh với đồng chí cùng chung ý thức hệ chống lại “các thế lực thù địch” nhằm giữ cái ghế quyền lực đang lung lay. Khi phải chống Trung Quốc xâm lược đang ngày càng hung hăng lộ diện thì tìm đồng minh là Mỹ và phương Tây. Khi phải chống “các thế lực thù địch” thì tìm đồng minh Trung Quốc! (Mênh mông thế sự 38).
Bởi vì người ta cũng thừa hiểu “các thế lực thù địch” đang được chính
quyền phong tặng đó không là ai khác những người đang quyết liệt chống
lại hành động cướp nước của kẻ thù truyền kiếp và đồng lõa của chúng bởi
sự khiếp nhược và đớn hèn đang khoác cái mặt nạ linh hoạt và khéo léo
tránh đụng độ có thể dẫn đến chiến tranh để bảo toàn chế độ.
Nhưng oái oăm lại là ở chỗ, cái hệ lụy nói trên đang
là một gánh quá nặng đè trên vai những người kế thừa bất đắc dĩ cái “di
sản Thành Đô” ô nhục. Không cần phải lùi đến tận năm 1990, năm ký kết
mật ước ô nhục kia, chỉ kể từ chuyến thăm của vị Tổng thống Mỹ đầu tiên
đến Việt Nam Bill Clinton vào tháng 11 năm 2000 cũng chỉ nhỉnh hơn “mươi lăm năm” lưu lạc của nàng Kiều, nhân vật mà Obama gợi đến có một năm! Đấy là chưa tính đến những “bèo trôi sóng vỗ” trong cái chuyện “chốc mười lăm năm” ấy!
Cứ nghĩ lại cách chỉ đạo việc đón tiếp Tổng thống Mỹ
16 năm trước mà gai cả sống lưng về sự thô bạo kiểu “lính tẩy” như một
tờ báo phương Tây miêu tả. “Gai sống lưng” là một cảm giác thật lúc ngồi
trong hội trường của Đại học Quốc gia Hà Nội buổi ấy để chứng kiến cung
cách nam nữ sinh viên phải thực hiện đúng kịch bản đã được tập dượt
trước, từ cách biểu tỏ tình cảm trong kiểu vỗ tay, kiểu cười đến cách
xoay người chào chứ không được đứng dậy “quá hồ hởi nhiệt tình” (!) để
sao cho vẫn giữ một khoảng cách.
Giờ đây người đang viết những dòng này vẫn chưa nguôi
nỗi ân hận về chuyện nặng lời với người bạn đã quá cố, một trí thức có
tên tuổi đã không có phản ứng quyết liệt cần thiết trước sự thiển cận
đến lố bịch của một tầm nhìn, một cách tư duy võ biền kiểu “lính tẩy”
làm xấu mặt cả một dân tộc, một thế hệ. Ân hận vì nhớ lại khuôn mặt đờ
đẫn, mệt mỏi của anh, một nạn nhân, sau buổi đón tiếp Tổng thống Bill
Clinton theo sự “chỉ đạo”! Đờ đẫn, mệt mỏi, vì anh buộc phải làm những
điều mà lương tri lương năng của người trí thức giày vò anh nhưng anh
không đủ sức vùng thoát ra khỏi cái cơ chế khủng khiếp đang trói buộc và
giẫm đạp lên nhân cách trí thức của anh. Gợi lại chuyện này để thấy
rằng những gì đã diễn ra trong chuyến viếng thăm đầy ấn tượng của Tổng
thống Obama sau 16 năm đã có một chuyển biến đáng kể cần được lý giải
một cách nghiêm cẩn.
Tiếp theo “Mênh mông thế sự 38” tuần trước với “Thời điểm của những bước đột phá”, phải chăng đã có thể viết bước đột phá ấy đang được khởi động với chuyến thăm của Obama. Những điều trong thư của trí thức Sài Gòn gửi Tổng thống Hoa Kỳ ngày 22.5.2016 hy vọng “Tổng thống sẽ thổi một luồng sinh khí mới vào đất nước chúng tôi từ cuộc viếng thăm của Ngài” đã trở thành hiện thực. Xin nhắc lại những đề nghị nêu trong bức thư:
“Theo chúng tôi, nếu thực hiện thành công những
vấn đề nói trên, những điều đang được thế giới quan tâm theo dõi, Ngài
sẽ đi vào lịch sử với những quyết định có tầm cỡ lịch sử bằng Hiệp định
TPP, bình thường hóa quan hệ với Cuba sau hơn 60 năm đối đầu căng thẳng,
thỏa thuận hạt nhân với Iran, và nay là bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí, mở
rộng cửa cho Việt Nam vào TPP, một quốc gia cựu thù mà hội chứng Việt
Nam vẫn chưa phai trong lòng nước Mỹ. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào
sự sáng suốt và bản lĩnh của Ngài như chúng tôi đã chứng kiến”.
Chỉ có điều, nhìn vào chiều sâu của các sự kiện đã
diễn ra, nếu chỉ một chiều đến từ Obama thì làm sao nói được rằng bước
đột phá đang được khởi động?
Những gì đã nổi lên trên bề mặt, những tệ hại đáng
phẫn nộ của hành động đàn áp những người tuần hành ôn hòa nhằm chống lại
thảm họa môi trương từ vụ cá chết, rồi việc trắng trợn ngăn cản, thậm
chí hành hung, bắt cóc những người được mời chính thức đến gặp Tổng
thống Hoa Kỳ như tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà báo Đoan Trang, luật sư Hà
Huy Sơn và một số người khác, những điều mà một quốc gia với lòng tự
trọng tối thiểu cũng không thể cho phép thực thi luật rừng man dại như
vậy trong ứng xử ngoại giao. Nhưng, một chữ nhưng tệ hại: Hình như ai đó cố tình phô ra trước thế giới về “một nước không giống ai”, một nước “không chịu phát triển”.
Điều này đang cất giữ những nghịch lý, những mưu toan gì! Đây là một
câu hỏi lớn cần được đặt ra. Và, nếu đấy là phần nổi trên bề mặt, thì ở
đáy sâu phần chìm của tảng băng sẽ là gì? Phải chăng cần trở lại cái
song đề vừa nói ở trên để đưa ra lời giải?
Khi ông Obama tuyên bố “việc dỡ bỏ lệnh cấm
vận là kết quả sự phát triển của quan hệ hai nước, không liên
quan tới Trung Quốc và Biển Đông” thì đó là một cử chỉ sòng
phẳng với Bắc Kinh. Điều này xuất phát từ lợi ích của cả Việt Nam và Mỹ.
Vì thế, ý chí kiên quyết giữ gìn chủ quyền, trước hết là chủ quyền biển
đảo đòi hỏi Việt Nam phải tìm đến Mỹ, một quốc gia duy nhất hiện nay có
đủ sức mạnh răn đe kẻ đang toan tính cướp biển, cướp đảo của mình.
Việc Mỹ xoay trục sang châu Á ngằm ngăn chặn tham
vọng bành trướng, thao túng Biển Đông và Hoa Đông, uy hiếp đến an ninh
hàng hải trên con đường giao thương huyết mạch của cả thế giới là một
quyết sách có ý nghĩa chiến lược. Quyết sách đó gắn liền với lợi ích
không chỉ riêng của Mỹ mà là của nhiều quốc gia khác trong khu vực và cả
thế giới, trong đó, trực tiếp nhất là Việt Nam, một nạn nhân của bành
trướng Bắc Kinh.
Việc tìm đến Mỹ là hệ quả tất yếu từ những hành động
nước lớn của một siêu cường hung đồ bắt nạt nước nhỏ mà Tập Cận Bình
đang thực thi. Đó cũng là bước đi không thể khác mà sự đón tiếp cuồng
nhiệt Tổng thống Obama của nhân dân Việt Nam những ngày qua là một chỉ
báo sống động. Những người đang nắm trong tay bộ máy quyền lực để gánh
vác trách nhiệm nặng nề trước dân chắc chắn đã nhìn thấy điều đó.
Thấy đến đâu, thấm đến đâu còn tùy thuộc vào nhiều
nhân tố đang trực tiếp hoặc gián tiếp chi phối hoặc gây áp lực, và cũng
tùy thuộc vào lợi ích, thân phận của những cá nhân. Nhưng rõ ràng là họ
đã thấy. Cũng chính vì vậy mới có những bước quyết liệt chuẩn bị cho sự
kiện có ý nghĩa đột phá mang tầm vóc lịch sử này. Những người có một đầu
óc tỉnh táo cỡ trung bình còn đọng lại một lòng yêu nước, thương dân
tối thiểu, chứ không đợi phải là người “nuôi mộng kinh bang tế thế”,
“phải có danh gì với núi sông” cũng thấy ra được cái xu thế không thể
nào đảo ngược của thế nước đang chuyển mình để đi tới.
Vấn đề đặt ra chỉ còn là đi tới như thế nào.
Bằng những gì đã đạt được từ chuyến đi của Obama với
những quyết định mang tính chiến lược lâu dài, con đường của Việt Nam
cần đi và phải đi đã rõ ràng. Lòng dân được thể hiện trong cuộc đón tiếp
Obama đã là lá phiếu bầu chọn có tính thuyết phục nhất cho những ai sẽ
lèo lái con thuyền đất nước vượt qua những phong ba bão táp để cập bến
mong đợi.
Khi đã là thành viên đích thực của TPP, trong những
cam kết có tính nguyên tắc của luật chơi mới, không chỉ kinh tế với kết
cấu hạ tầng và chuyển đổi cơ cấu, bộ máy và cung cách quản trị kinh
doanh tương thích với đòi hỏi phát triển bền vững mà cả diện mạo của đất
nước cũng từng bước thay đổi gắn liền với những chuyển đổi tập quán phù
hợp với nhu cầu xã hội mới. Như ai đó đã viết: “Sau cấm vận, Mỹ
triển vọng thành nhà đầu tư số một, không phải chỉ có ý
nghĩa kinh tế. Trước hết là sự chiếm chỗ trong không gian. Không
gian có hạn, sự chiếm chỗ của Mỹ sẽ đẩy Trung Quốc ra ngoài.
Đầu tư của Mỹ sẽ pha loãng ảnh hưởng của Trung quốc, giảm tỷ
lệ phụ thuộc vào Trung Quốc của nền kinh tế Việt Nam”. Đây là điều đáng suy nghĩ.
Tác động của những nhân tố bên ngoài có ý nghĩa bức
xúc vào lúc này, đó là một sự thật cần phải công khai minh bạch. Tuy
nhiên, cái quyết định vẫn là nội lực của dân tộc thể hiện trong ý chí và
sức mạnh của nhân dân đang hỗ trợ hoặc làm áp lực lên bộ máy lãnh đạo
để buộc phải thực thì ý nguyện của dân.
Không ai có thể làm thay cho chúng ta. Chúng ta phải
chọn lấy con đường để đi tới. Trên mặt đất vốn không có đường, người ta
đi lâu thì thành đường thôi. Phải dám dấn bước, đạp đổ mọi chướng ngại,
mở đường để đi tới. Đó là sự lựa chọn đúng nhất vào lúc này.
Dừng lại nói chuyện với dân tại quán nước bên đường ở Mễ Trì.
Và dân đã đón Tập Cận Bình thế này đây.
Ngày 29.5.2016
T. L.
Tác giả gửi BVN.
No comments:
Post a Comment