Tuesday, September 17, 2013

COC mịt mù khói sóng Biển Đông...



Tình hình Biển Đông:

COC mịt mù khói sóng Biển Đông, Philippines cầu ngoại viện

(Tin tức 24h) – Những diễn biến từ bàn đàm phán giữa ASEAN- Trung Quốc ở Tô Châu vênh so thực địa, thực tâm. Sự trái ngược đang chứng tỏ tương lai cho COC vẫn rất mịt mù dù ASEAN đã nỗ lực hết sức có thể.
Trung Quốc không mong muốn COC
 
Khác với phát biểu hôm 10/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi lên tiếng sẵn lòng trao đổi về vấn đề thực hiện nghiêm túc DOC và tiến tới bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) với ASEAN, trong cuộc hội đàm 2 ngày tại Tô Châu, quốc gia này vẫn bày tỏ quan điểm trì hoãn.
 
Hai phía đã đi vào thảo luận chi tiết của COC, sau đó chuyển kết quả phiên thảo luận lên các quan chức cấp cao của hai bên để xem xét và thông qua trong ngày thứ hai.
 
Hội nghị ASEAN-Trung Quốc ở Tô Châu thống nhất "tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả" Tuyên bố chung giữa các bên liên quan về Biển Đông (DOC) và giao cho một nhóm công tác chung hỗ trợ các quan chức trong tiến trình trao đổi xây dựng COC. Tuy nhiên không có thời gian biểu nào được đưa ra.
 
Quan chức ASEAN và Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh dẫn đầu (Ảnh: Xuân Dần)
Quan chức ASEAN và Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh dẫn đầu (Ảnh: Xuân Dần)

Tuy Trung Quốc không phản đối việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), nhưng vẫn giữ nguyên lập trường “Vấn đề lãnh thổ phải được giải quyết thông qua đàm phán song phương. Việc xây dựng COC cần phải thận trọng”.
 
Lập trường đàm phán song phương và giải quyết COC “dần dần” của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với quan điểm của ASEAN khi yêu cầu một thỏa thuận bình đẳng minh bạch giữa các nước trong khu vực với Trung Quốc, bao gồm cả những quốc gia có tranh chấp lãnh thổ và không tranh chấp.
 
Với lập trường này của Trung Quốc, ASEAN cho rằng Trung Quốc vẫn đang trì hoãn việc xây dựng COC thêm một lần nữa.
 
Trung Quốc vẫn ngắm vào Philippines
 
Song song với những diễn biến trên bàn đàm phán, giới truyền thông Trung Quốc cũng đăng tải hàng loạt bài báo chỉ trích Philippines, thể hiện thái độ đơn phương nhằm vào các quốc gia riêng lẻ trong khối.
 
Tờ China Daily của nhà nước Trung Quốc hôm 16/9 cáo buộc Manila là tìm cách làm "gián đoạn tham vấn ASEAN-Trung Quốc".
 
Trong bài xã luận đăng hôm 16/9, China Daily viết: "Lập trường thiếu trách nhiệm của Manila sẽ chỉ khiến Philippines ngày càng bị cô lập trong khu vực vì xu hướng không thể đảo ngược hiện nay là tìm kiếm giải pháp phù hợp cho tranh chấp Nam Hải (Biển Đông) thông qua tham vấn và hợp tác song phương".
 
Hội nghị ASEAN +3 (ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) lần thứ 14 diễn ra tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei tháng 6/2013. Tại hội nghị này, Trung Quốc đồng ý bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán về COC.
Hội nghị ASEAN +3 (ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) lần thứ 14 diễn ra tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei tháng 6/2013. Tại hội nghị này, Trung Quốc đồng ý bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán về COC.

Thông điệp được China Daily đúng như nhận định của ông James Clad, trợ lý của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Trước khi phiên họp diễn ra, ông James Clad đã nhận định: “Sẽ không có một chuyển biến nào trong phiên họp lần này giữa ASEAN và Trung Quốc. Bởi lẽ, Trung Quốc không hề muốn có COC, đồng thời, bản thân các quốc gia ASEAN cũng không đồng thuận mục tiêu”.
 
“Campuchia đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm ủng hộ Trung Quốc, như vậy là đi ngược với cả khối. Trong khi đó, quan điểm cứng rắn của Philippines không nhận được sự ủng hộ của một số quốc gia không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Đồng thời, Singapore, Indonesia vẫn giữ quan điểm trung lập, nhiều quốc gia có lợi ích và không có tranh chấp không muốn mối quan hệ của khu vực trở lên căng thẳng với Trung Quốc. Từ những bất đồng này, Trung Quốc hoàn toàn có thể tách riêng và cô lập ASEAN thành từng phần nhỏ”.
 
Cũng trong ngày 16/9, các phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng lên tiếng chỉ trích mọi diễn tiến trên bàn đàm phán COC đều bị Philippines phá rối. Báo chí nước này cũng thẳng thừng khẳng định Scaborough là của Trung Quốc và Philippines là kẻ “vừa ăn cướp vừa la làng”.
 
Tuy trên bàn đàm phán, hai bên ASEAN và Trung Quốc đã bước đầu có thêm một số thành tựu như khẳng định tiếp tục thực hiện DOC, lập đoàn công tác hỗ trợ quan chức cấp cao các bên về COC… nhưng trên thực tế, những gì diễn ra bên ngoài bàn đàm phán khiến cho tương lai về một Biển Đông an ninh, hợp tác, hòa bình còn rất xa vời.
 
Philippines tiếp tục gồng mình cầu ngoại viện
 
Sau cuộc đàm phán tại Tô Châu, như thường lệ, Philippines lại hứng chịu búa rìu của truyền thông Trung Quốc. Một động thái mới nhất của Philippines, nước này đã thuê Pháp tham gia đóng mới tàu tuần tra cỡ lớn và sửa chữa những tàu chiến cũ kỹ của mình. Philippines cũng mua lại những tàu chiến vừa ra khỏi biên chế của Pháp.
 
Tàu tuần tra lớp P400 của hải quân Pháp.
Tàu tuần tra lớp P400 của hải quân Pháp.

Cụ thể, chiếc tàu đầu tiên Pháp sẽ bàn giao cho Philippines năm 2014 là tàu tuần tra lớp P400 đã có 26 năm tuổi,  mới rời khỏi biên chế phục vụ. Tàu có độ đài 54,8 mét, nặng 373 tấn và một thủy thủ đoàn 29 thành viên kèm theo 2 xuồng nhỏ. P400 có tốc độ tối đa 44 km/giờ và được trang bị một pháo tự động 40 mm, một pháo tự động 20 mm, 2 súng máy và một số vũ khí hạng nhẹ.
 
Đồng thời Philippines cũng quyết định thuê Pháp đóng mới 1 tàu tuần tra dài 82 mét và 4 tàu nhỏ dài 24 mét với giá 120 triệu USD. Các tàu lớn hơn sẽ được sử dụng để đối phó với tàu Trung Quốc đang hoạt động bất hợp pháp ngoài khơi bờ biển các nước láng giềng ở Biển Đông.
 
Trước đó, Philippines đã được sự hỗ trợ từ Nhật với 10 tàu tuần tra hiện đại, mua của Mỹ tàu chiến Hamilton, liên lạc với hải quân Tây Ban Nha về những hợp đồng vũ khí quy mô. Và nay đến với Pháp. Có vẻ như, Philippines đang tìm mọi nguồn vũ khí chất lượng cao giá rẻ để trang bị sức mạnh cho bản thân mình.
 
Sâu xa hơn, có thể Philippines đang muốn có nhiều quốc gia trên thế giới hiện diện lợi ích ở Biển Đông để tính quốc tế của vùng biển này được nhân rộng, để thói quen tự tung tự tác của Trung Quốc phải chùn tay.
 
Minh Tú (Tổng hợp)
;
 

No comments:

Post a Comment